Thủ tục hải quan gồm những gì, quy trình thực hiện như thế nào

Bạn làm về xuất nhập khẩu, và quan tâm đến thủ tục hải quan là gì, gồm những công việc gì, quy trình xử lý như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây
 
Khi làm thủ tục hải quan, mỗi người có thể sẽ có một cảm nhận khác nhau. Những người quen với việc thông quan hàng hóa, một ngày làm có thể tới hơn chục bộ tờ khai, thì công việc này có lẽ cũng đơn giản, bình thường. Với những người chưa bao giờ hoặc mới làm những lô hàng đầu tiên, cảm giác lo lắng là không thể tránh khỏi; nào là: hồ sơ đúng không, lên tờ khai thế nào, làm việc với hải quan ra sao, nhỡ sai sót thì bị xử phạt thế nào…
 
Do đó, bên cạnh nghiệp vụ chuyên môn thì sự dày dặn kinh nghiệm và những hiểu biết trong nghề là những yếu tố rất cần thiết để thực hiện thủ tục hải quan được nhanh chóng, chính xác.
 
 

Dịch vụ thủ tục hải quan là gì?

 
Dịch vụ thủ tục hải quan là công việc mà bên cung cấp dịch vụ hải quan phải thực hiện để hoàn tất thủ tục hải quan thông quan cho các lô hàng của bên sử dụng. Tất nhiên, các doanh nghiệp phải trả một phần phí thoả thuận cho bên cung cấp khi sử dụng dịch vụ là thủ tục hải quan. Và tùy theo mặt hàng làm thủ tục hải quan thì công việc và chi phí khi "dịch vụ hải quan trọn gói" sẽ khác nhau. Vì thế sẽ phải cần nhiều hơn sự hợp tác cũng như trao đổi giữa hai bên doanh nghiệp sử dụng và cung cấp dịch vụ hải quan.
 
Ở thời điểm hiện tại, dịch vụ hải quan tại trọn gói có 2 hình thức chính, đó là:
 
Dịch vụ Khai thuê, khai báo hải quan: Bên cung cấp dịch vụ sẽ có trách nhiệm thay mặt doanh nghiệp bạn tiến hành hoàn tất các thủ tục hải quan thông quan lô hàng. Đơn vị hoặc cá nhân làm dịch vụ sẽ không xuất hiện tên pháp nhân trên bất cứ chứng từ hải quan nào.
 
Đại lý hải quan: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ sử dụng tên mình, chữ ký số của mình để điền thông tin lên tờ khai. Đồng thời, có trách nhiệm sao y chứng từ để nộp bộ hồ sơ đầy đủ nhất lên các cơ quan chi cục hải quan theo thoả thuận trong hợp đồng giữa hai bên.
Mỗi hình thức nêu trên đều có điểm thuận lợi, bất lợi cho chủ hàng. Chẳng hạn dịch vụ khai thuê hiện rất phổ biến. Ưu điểm là tiện lợi cho khách hàng và người làm dịch vụ. Nhưng nhược điểm là bên dịch vụ không xuất hiện và đứng tên chịu trách nhiệm khi làm thủ tục, nên trong một số trường hợp đem lại rủi ro cho người thuê.
 
Kê khai, khai báo hải quan là hoạt động kê khai thông tin hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của doanh nghiệp với cơ quan hải quan. Đây là quy trình hoạt động bắt buộc trước khi hàng hóa được nhập khẩu và xuất khẩu.
 
Khai báo hải quan nhằm 2 mục đích chính đó là:
 
Nhà nước có thể dễ dàng quản lí hàng hoá. Đảm bảo các lô hàng xuất/nhập vào lãnh thổ Việt Nam không thuộc danh mục hàng cấm. Không doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân nào có quyền xuất khẩu hoặc nhập khẩu những hoá hoá bị cấm theo con đường chính ngạch.
Nhà nước thực hiện công tác tính thuế và thu thuế trên các mặt hàng. Đây là mục đích quan trọng hàng đầu của công tác làm thủ tục hải quan. Nguồn thuế từ hải quan hằng năm là con số cực kì lớn. Đây là yếu tố góp phần cân bằng và ổn định thị trường.
 

Quy trình thực hiện thủ tục hải quan

 
Khi làm thủ tục hải quan, người khai tờ khai (chủ hàng, đại lý hải quan, hoặc đơn vị khai thuê hải quan) thực hiện những bước cơ bản sau:
 

1. Khai và nộp tờ khai hải quan

 
Tờ khai hải quan được lập theo mẫu quy định. Khoảng gần chục năm trước đây, chủ hàng kê khai bằng cách viết tay lên tờ khai giấy in sẵn. Đến nay, tất cả các Chi cục đã chuyển sang khai và nộp tờ khai theo hình thức hải quan điện tử bằng phần mềm chuyên dụng.
 
Từ tháng 4/2014, cơ quan hải quan đã bắt đầu triển khai áp dụng hệ thống VNACCS mới, và mẫu tờ khai cũng có thay đổi nhiều.
 
Trong bước này, cần lưu ý kiểm tra để đảm bảo số liệu chính xác giữa các chứng từ, tra cứu và áp mã HS Code, thao tác truyền tờ khai...
 

2. Lấy kết quả phân luồng

 
Sau khi có kết quả phân luồng từ hệ thống, bạn làm bước tiếp theo:
 
Tờ khai luồng xanh
Màu xanh may mắn! 
 
Về lý thuyết, bạn chỉ cần xuống cảng lấy hàng sau khi nộp thuế (nếu có), mà không phải làm gì thêm.
 
Tuy nhiên, trên thực tế ở các chi cục ở Hải Phòng, tôi thấy người khai vẫn phải xuống hải quan để kiểm tra xem thuế đã nổi trong tài khoản kho bạc của hải quan hay chưa. Đồng thời cán bộ hải quan cũng check lướt qua xem tờ khai có vấn đề gì hay không. Nếu phát hiện thấy sai sót (nghiêm trọng) trong khai báo, hải quan vẫn có thể dừng thủ tục lại, và đề nghị lãnh đạo chuyển luồng (nếu cần).
 
Quả thật như vậy thì chưa đúng nghĩa thực sự của luồng xanh. Do đó, bạn vẫn nên chuẩn bị sẵn bộ chứng từ hàng hóa, để giải trình khi cần. Vậy mới chắc ăn!
 
Tờ khai luồng vàng
 
Bạn phải xuất trình bộ hồ sơ giấy, gồm những chứng từ như:
 
Tờ khai hải quan (in từ phần mềm, không cần đóng dấu)
Hóa đơn thương mại (GĐ doanh nghiệp ký, đóng dấu tròn + chức danh)
Chứng từ khác: Vận đơn, C/O, giấy kiểm tra chất lượng (kiểm tra chuyên ngành)...
Theo thông tư 38, thì hồ sơ hải quan đã đơn giản hơn, không cần Hợp đồng ngoại thương và Chi tiết đóng gói, tuy nhiên bạn nên chuẩn bị bản photo sẵn sàng để tham khảo tra cứu số liệu khi cần.
 
Từ tháng 8/2022, bạn chỉ cần truyền điện tử các file chứng từ qua phần mềm khai hải quan, và chỉ còn phải nộp bản giấy C/O gốc (nếu có).
 

Tờ khai luồng đỏ

 
Phải kiểm tra thực tế hàng hóa sau khi kiểm tra xong hồ sơ giấy. Đây là mức độ kiểm tra cao nhất, phải làm nhiều thủ tục và tốn kém chi phí, thời gian, công sức nhất cho cả chủ hàng và cán bộ hải quan.
 
Trước hết, bạn vẫn phải có bộ hồ sơ như luồng vàng trên đây. Sau khi hải quan tiếp nhận duyệt hồ sơ, sẽ chuyển sang cho đội kiểm hóa. Bạn đăng kí kiểm hóa, xuống cảng làm thủ tục hạ hàng đưa vào khu kiểm hóa, rồi liên hệ với cán bộ hải quan xuống làm thủ tục kiểm tra.
 
Hiện có 2 hình thức kiểm hóa: kiểm bằng máy soi (kiểm soi), và kiểm thủ công (gọi vui là "kiểm phanh"). Có trường hợp, hải quan kiểm máy soi thấy nghi ngờ lại cho mở container kiểm thủ công (rất mệt mỏi và tốn kém!).
 
Sau khi kiểm tra xong, cán bộ hải quan sẽ về Chi cục làm các thủ tục cần thiết: biên bản kiểm hóa. Nếu ok, sẽ làm thủ tục quyết & bóc tờ khai là xong phần ở chi cục. Bạn in mã vạch tờ khai hải quan, và đến cảng làm nốt thủ tục đổi lệnh & ký hải quan giám sát (còn gọi là ký cổng bãi) là xong.
 
Thêm một chi tiết hữu ích, trong quá trình làm thủ tục, bạn có thể vào website của Tổng cục hải quan để cập nhật tình trạng một số bước công việc:
 
Tra cứu nộp thuế, nợ thuế hải quan: sau khi nộp thuế xong, tra cứu nếu thấy tình trạng là "Hết nợ", nghĩa là tiền thuế đã vào tài khoản của hải quan. Nếu chưa thì phải đợi, và nên kiểm tra lại khâu nộp thuế, nếu cần.
Tra cứu tờ khai hải quan: tra cứu xem tình trang của tờ khai thế nào: đã thông quan hay chưa, ngày giờ thông quan...
In mã vạch tờ khai hải quan: nếu có mã vạch là đã thông quan.
 

3. Nộp thuế hải quan

 
Phần mềm sẽ tự động tính toán số thuế phải nộp, căn cứ theo biểu thuế xuất nhập khẩu hiện hành.
 
Người khai nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định: nộp ngay, ân hạn, bảo lãnh ngân hàng… Với hàng nhập khẩu theo loại hình kinh doanh hiện nay, thì đa số thuộc diện phải nộp thuế ngay. Khi nào có thuế nổi trong hệ thống, hải quan mới duyệt thông quan cho lô hàng.
 

4. Thông quan hàng hóa

 
Thông quan hàng hóa là việc hoàn tất thủ tục hải quan với hàng xuất nhập khẩu.
 
Sau những bước đã nêu phía trên và hàng được hải quan chấp nhận thông quan, bạn đã xong trách nhiệm. Khi đó, với hàng nhập khẩu, chủ hàng được quyền phân phối, mua bán, sử dụng...; còn với hàng xuất khẩu, hàng đã đủ điều kiện đưa ra khỏi Việt Nam (hoặc đưa vào Khu phi thuế quan).
 
 
Địa điểm làm thủ tục hải quan
 
Bạn có thể làm thủ tục thông quan tại Chi Cục hải quan cửa khẩu (cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế…) hoặc Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu (như cảng nội địa hoặc các khu phi thuế quan).
 
Thủ tục, hồ sơ hải quan có vẻ hơi rắc rối, nếu bạn chưa quen. Nhưng tốt nhất là bạn nên làm theo quy định, và chuẩn bị bộ chứng từ đầy đủ, hợp lệ. Như vậy, thời gian làm thủ tục sẽ nhanh hơn, và cán bộ hải quan sẽ bớt chất vấn.
 
Nếu bạn thấy những bước này phức tạp, hoặc không muốn mất nhiều thời gian làm thủ tục hải quan thì có thể liên hệ công ty Phát Đạt Transport. Hy vọng chúng tôi có thể giải quyết được những lo lắng của bạn.
 
Thông tin liên hệ
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ XNK PHÁT ĐẠT 
Địa chỉ: 158/30 Hoàng Hoa Thám, P.12, Q.Tân Bình, TPHCM
Email: info@phatdattransport.com.vn 
Hotline: 0902 763 008